Review đọc sách quý II 2024

Chào các bạn, lại là tớ đây, mới đó mà đã qua một quý rồi. Đúng là thời gian cứ trôi nhanh như cún con chạy ngoài đồng.

Nếu như ở quý trước, mình ngồi viết review ở quán cafe "guột" với một thân khá là nhiều năng lượng, thì quý này ngược lại, mình chẳng có nhiều năng lượng để thôi thúc bản thân viết review. Nhưng vẫn cố gắng thôi, mỗi quý chỉ viết 1 bài, chẳng nhẽ mình lại không làm được?

Quý này mình hầu như đã phá hỏng hết những thói quen mất cả nửa năm trời để xây dựng: Dậy sớm, đọc trà uống sách, rèn luyện sức khỏe… Và cả thói quen nhẹ nhàng khác: nghe nhạc cũng bớt đi.

Những cuốn sách mình đã đọc

Quý này mình khá là thất bại, chỉ hoàn thành được 4 cuốn sách. Trong khi nếu chạy hết tốc lực, mình nghĩ mình có thể hoàn thành gấp đôi số này.

Qua quý này mình bắt đầu cảm nhận rằng mình có lẽ đã quá dễ dãi khi review sách. Như trước kia thì mình sẽ rất có khả năng đánh 4-5/5 sao cho 1 cuốn sách, nhưng giờ chắc sẽ không còn như vậy nữa.

Tâm lý học về tiền

Tác giả: Morgan Housel

Đánh giá: 4/5 ⭐.

Tâm lý học về tiền review

Mình có bắt đầu tìm hiểu một chút về đầu tư, và mình nghĩ đọc một cuốn liên quan chút xíu tới đầu tư cũng là một ý kiến không tồi, đây là những điểm mình rút ra được sau khi đọc (nghe) cuốn sách này:

  1. Không ai điên rồ cả, kể cả việc số lượng người nghèo mua vé số vẫn nhiều hơn người giàu, mặc dù tỉ lệ trúng rất thấp. Bởi vì họ cho rằng việc mua vé số là có ý nghĩa
  2. Những người giỏi kiếm tiền có thể không sống lâu trong thị trường bằng người giỏi giữ tiền.
  3. Quyết định trong vài thời điểm lại là điểm mấu chốt của sự đầu tư thành công (không bán vào bear market, không fomo quá vào bull market).
  4. Danh mục đầu tư có nhiều nhưng thành công có lợi nhuận thì rất ít, ai cũng vậy cả.
  5. Tiết kiệm tiền ?
    1. Nên tiết kiệm tiền dù không có bất kì lí do gì, hãy tiết kiệm cho cơ hội trong tương lai.
    2. Sống dưới mức có thể chi trả để tiết kiệm được nhiều hơn.
  6. Sẽ thoải mái hơn khi ta theo chủ nghĩa bi quan, rồi vui mừng vì thảm họa không xảy ra hơn là vui mừng vì điều tốt đẹp theo chủ nghĩa lạc quan trở thành hiện thực.
  7. Cẩn thận khi nghe lời khuyên hay xem chiến lược đầu tư của người khác bởi vì có thể họ tham gia một cuộc chơi khác mình.

Khi hơi thở hóa thinh không

Tác giả: Paul Kalanithi

Đánh giá: 3/5 ⭐

Khi hoi tho hoa thinh khong review

Khi nghe xong cuốn sách này, mắt mình rưng rưng vì nghĩ tới cái chết.

Mình nghĩ về giai đoạn cuối đời của mẹ mình, và thế là nước mắt cứ rỉ ra. Tại sao thế nhỉ?

Khi nghe hết cuốn sách, có vẻ như mình vẫn chưa cảm nhận được gì nhiều ngoài câu chuyện dũng cảm để chiến đấu với bệnh tật của vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi, hoặc có thể nó vẫn đọng lại ở đó, nhưng không thể nói thành lời.

Liên hệ với bản thân, mình lại tự đặt câu hỏi: Nếu mình cũng mắc bệnh hiểm nghèo, thì mình sẽ làm gì khi biết bản thân chỉ còn sống được 1 thời gian ngắn thôi?

Liệu mình có dễ dàng chấp nhận và chiến đấu với nó?

Trong cuốn sách này có nhắc tới cuốn sách “Hiểu về sự chết” - Sherwind B. Nulland, chắc là mình sẽ tìm hiểu và đọc cuốn này trong tương lai. Cuốn này giúp ta hiểu hơn những người đang trong giờ lâm chung, có lẽ để ta có thể yêu thương và quan tâm họ hơn.

Một đời thương thuyết

Tác giả: GS Phan Văn Trường

Đánh giá: 4/5 ⭐

Cuốn sách này về thương thuyết, nhưng không chỉ là thương thuyết, mà còn như những câu chuyện của một người ông ngoại kể cho cháu nghe.

Mot doi thuong thuyet

Một đời thương thuyết là cuốn sách đầy tâm huyết của Giáo sư Phan Văn Trường - một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Cuốn sách chứa đầy những triết lí về thương thuyết được chắt lọc qua cả một cuộc đời đàm phán của một chuyên gia tầm cỡ, y như tên của cuốn sách vậy.

Cuốn sách này không tập trung nói về phương pháp đàm phán hay các chiến lược thương thảo hay bán hàng, tuy nhiên nó lại đưa ra những giá trị cốt lõi của việc thương thuyết, cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến một cuộc đàm phán win-win thành công khiến cả 2 bên đều vui vẻ. Bên cạnh đó là những bài học kinh nghiệm rất có giá trị khi theo dấu chân của vị giáo sư đáng kính rong ruổi qua hết sân bay này tới sân bay khác, châu lục này tới châu lục khác để thương thảo nhiều dự án khác nhau với giá trị hàng triệu tới hàng tỉ đô la.

Nghe xong cuốn sách này, quả thực mình khá được mở mang tầm mắt. Mặc dầu những câu chuyện thương thuyết được kể có tầm vóc quốc gia, nhưng bài học mình đúc kết ra cho bản thân thì cũng có nhiều điều, vì thực ra chúng ta thương thuyết rất nhiều: Mua hàng, cưới hỏi, deal lương… vân va và vân vân:

  • Hai bên thương thuyết phải món đồ được thương thuyết thì mới tiến hành được.
  • Phải biết rõ giá trị món đồ mình đang đàm phán.
  • Đàm phán nên là một cuộc chơi win-win: Đừng để thằng bờm và phú ông thất vọng, đừng tham lam quá mức!
  • Sống với mặt nạ thì sẽ gặp người đeo mặt nạ, sống thành thực thì sẽ gặp người thành thực.

Deep work - Làm ra làm, chơi ra chơi

Tác giả: Cal Newport

Đánh giá: 3/5 ⭐

Quý này mình rất thất bại khi không có mục tiêu nào có thể hoàn thành một cách mĩ mãn: Công việc không nói, kĩ năng chuyên môn không cải thiện nhiều, học hành lại càng trễ nải mặc dù mình khá là “siêng” học hành. Mình muốn làm việc và học tập một cách thật hiệu quả. Đó chắc cũng là lý do mình tìm tới cuốn sách này.

Deep work - làm ra làm chơi ra chơi

Trạng thái làm việc sâu (deep work) cũng như kĩ năng làm chủ được trạng thái này là điều rất quan trọng trong thế giới ngày nay. Làm việc sâu mang lại hiệu suất công việc cao hơn, dĩ nhiên rồi. Và tác giả nêu khá nhiều phương pháp để đạt được trạng thái làm việc sâu.

Kết luận của mình sau khi đọc lần 1 vẫn là hãy bảo vệ khoảng thời gian dành cho công việc quan trọng của bản thân: Dành ra khoảng thời gian ưu tiên, ngắt kết nối bên ngoài, hoặc dọn lên núi ở 😆.

Tuy nhiên nó có vẻ chưa gãi đúng chỗ ngứa của mình hiện tại, vấn đề của mình là khó tập trung, khó có thể switch context khi học giữa các bộ môn khác nhau, đặc biệt là khi học các bộ môn xã hội - điểm yếu của mình.

Bonus:

Đã bao giờ bạn nghe tới cụm từ “trạng thái dòng chảy” hay còn gọi là “flow state”?

Nếu chưa, bạn có thể tham khảo video này: How to enter flow state - Ted ed

Khi mình tập trung làm việc liên quan tới công việc chuyên môn (lập trình) thì mình có thể làm tù tì tới nửa đêm mà không hay tới thời gian trôi, cảm giác đó thật tuyệt.

Kết luận

Mình vẫn đang trên hành trình tìm kiếm phương pháp làm việc và học tập hiệu quả, bên cạnh đó mình vẫn nợ các bạn một bài review về 1 hoặc 1 vài cuốn sách kĩ thuật, các bạn đợi nhé ❤️

(Mặc dù mình biết sẽ chẳng ai đọc bài này đâu ^^)

Kiên Đinh

Bần đạo là Kiên Đinh, một Developer. Ta viết blog này với mục đích chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đối với coding chi đạo.